Đại Tống Hoàng đế Tống Huy Tông

Huy Tông Hoàng đế là một nhà nghệ thuật tài hoa, song cũng là quân chủ vong quốc.

Cựu đảng trở lại nắm quyền

Sau khi lên ngôi, Tống Huy Tông hạ lệnh xá thiên hạ, thăng trật cho bách quan lên một cấp, thưởng chư quân, sai sứ Tống Uyên sang Nhà Liêu báo tang. Tôn Triết Tông hoàng hậu Lưu thị là Nguyên Phù hoàng hậu, mẹ đẻ là Quý nghi Trần thị làm Hoàng Thái phi. Lấy Chương Đôn là Đặc tiến, phong Thân quốc công (申國公); lập vợ là Thuận Quốc phu nhân Vương thị làm Hoàng hậu. Vương hậu là người Đức châu, con gái của Tiết độ sứ Vương Tảo

Sau đó ít lâu, ông lấy Hàn Trung Ngạn, con trai cố tướng Hàn Kì làm Môn hạ thị lang. Trung Ngạn vào triều yết kiến, trình bày bốn việc: thi nhân trong ngoài, mở đường ngôn luận, bỏ nghi tự, giảm việc dụng binh. Hướng thái hậu đồng tình, triều chính dần trở lại trong sáng như thời Nguyên Hựu khi trước. Sau đó ông lại triệu tri Bạc châu Hoàng Lý giữ chức Thượng thư hữu thừa. Ông cũng phong vương tước cho một số anh em của mình.

Tống Huy Tông giáng chức những người theo phe Thiệu Thánh, giáng chức của bọn Thái Kinh, Lưu Chửng, Thái Biện (em của Kinh). Tháng 4 ÂL lấy Hàn Trung Ngạn làm Thượng thư Hữu bộc xạ kiêm Trung thư thị lang; Lý Thanh Thần là Môn hạ thị lang, Tương chi Kì là Đồng tri Xu mật viện sự nắm quyền như tể tướng. Hàn Trung Ngạn triệu các đại thần bị lưu đày trong những năm Thiệu Thánh về triều: Phạm Thuần Nhân được ban thuốc và đưa về Đặng châu, sau được phong Quan Văn điện học sĩ[6][7], lại triệu Tô Thức đến Thường châu làm Ngọc Cục quan, nhưng không lâu sau Tô Thức qua đời.

Tống Huy Tông truy táng cho Lương Đảo, Lưu Chí, truy phục quan tước của Tư Mã Quang, Văn Ngạn Bác, Lã Đại Phòng, Vương Khuê... hơn 30 người. Lúc đó có Thái học Thượng thái sinh Hà Đại Chính dâng sớ nói Mạnh hoàng hậu (bị phế vào thời Triết Tông) không có tội gì nên xin phục hồi tôn hiệu. Tống Huy Tông nghe theo, đón Mạnh hậu vào cung, phong là Nguyên Hựu hoàng hậu.

Mùa thu năm đó, Hướng thái hậu sau sáu tháng nghe chính sự, hạ chỉ hết buông rèm, từ đó Tống Huy Tông đích thân chấp chính. Tháng 8 năm đó, Chương Đôn do bất cẩn trong lúc đưa tang đã làm linh cữu Triết Tông rơi xuống bùn suốt cả đêm nên bị tội đưa ra Việt châu rồi Lôi châu, cuối cùng ốm mà chết ở Mục châu[8].

Tháng 10 năm 1100, dùng Hàn Trung Ngạn làm Tả bộc xạ kiêm Môn hạ thị lang, Tăng Bố làm Hữu bộc xạ kiêm Trung thư thị lang, An Đảo tri Xu mật viện sự, Phạm Thuần Lễ là Thượng thư Hữu thừa]] thay cho Hoàng Lý bị bãi chức. Vào đầu năm năm 1101, Hướng Thái hậu qua đời ở Từ Ninh điện, có di chiếu cho phép truy tôn mẹ Huy Tông là Trần thái phi lên làm Hoàng thái hậu, thụy là Khâm Từ. Cùng năm, Liêu Đạo Tông qua đời, Tống Huy Tông sai Tạ Văn Quán, Thượng Quan Quân sang Liêu viếng tang.

Phái Thiệu Thánh đắc thế

Tống Huy Tông dung túng cho các gian thần khuynh loát quyền hành trong triều. Hàn Trung Ngạn bị gièm pha và bãi chức, Hữu bộc xạ Tăng Bố nắm quyền, ra sức gạt bỏ những người không cùng cánh như Nhậm Bá Vũ, Phạm Thuần Lễ, Lý Thanh Thần, Trần Quán...

Lúc bấy giờ Cung phụng quan Đồng Quán là một kẻ giảo hoạt khôn ranh, được Huy Tông sai đến Hàng châu tìm kiếm những đồ cổ và quý. Thái Kinh lúc đó ở Hàng châu được tin bèn ra sức đưa đón, chiều chuộng để lấy lòng, rồi còn đưa nhiều bức bình phong, thư họa gửi cho Đồng Quán mang về kinh. Huy Tông xem xong hết sức ca ngợi, lại có ý dùng Thái Kinh. Kinh lại nghe nói Đạo Lộc tư Từ Tri Thường hay vào cung làm phép trị bệnh của Nguyên Phù hoàng hậu nên cũng hết sức làm quen, tặng Tri Thường và lũ hoạn quan trong cung nhiều vàng bạc, châu báu và gái đẹp, vì thế trong ngoài đều biết đến Thái Kinh. Do vậy Huy Tông quyết định bổ nhiệm Kinh làm tri phủ Định châu[7][9]

Năm 1102, Huy Tông cải niên hiệu là Sùng Ninh. Ông dùng Thái Kinh là tri Đại Danh phủ. Sái Kinh ban đầu cùng phe Tăng Bố loại bỏ những người chống đối. Huy Tông lại quay sang trọng dụng những người thuộc phe Thiệu Thánh mà Sái Kinh là đại diện, gạt bỏ phe Nguyên Hựu. Sau đó chính Sái Kinh được Huy Tông tin tưởng trọng dụng bèn tìm cách hất nốt Tăng Bố, gièm pha với Huy Tông. Huy Tông cách chức Hữu bộc xạ của Tăng Bố, đày ra Nhuận châu. Do căm ghét Châu Hạo nên Thái Kinh kiếm một bản sớ trước kia của Hạo tố cáo Nguyên Phù hoàng hậu và bảo Hạo là kẻ điên cuồng. Huy Tông giận lắm, cho rằng Hạo phỉ báng tiên đế và Lưu hậu bèn đày Châu Hạo ra an trí ở Vĩnh châu[7].

Ở trong cung, Nguyên Phù hoàng hậu căm ghét việc Nguyên Hựu hoàng hậu phục vị nên giật dây cho Phùng Hải chỉ trích bọn Hàn Trung Ngạn đón phế hậu về cung, lại thêm bọn Thái Kinh phụ họa, Huy Tông bất đắc dĩ phải ra lệnh phế Nguyên Hựu hoàng hậu, đưa đến Diêu Hoa cung làm nữ quan.

Tháng 7 ÂL năm 1102, Huy Tông dùng Thái Kinh làm Thượng thư Tả bộc xạ, bãi bỏ những chính sách thời Nguyên Hựu, dùng phép Thiệu Thánh, dụng Hi Ninh điều lệ cố sự, lập Đô Tỉnh trí giảng nghị ti, dùng bè đảng Ngô Cư Hậu, Vương Hán Chi... hơn 10 người làm liêu chúc, cho thực thi lại tân pháp của Vương An Thạch. Huy Tông còn ra lệnh cấm con cháu Tư Mã Quang, Lã Công Trứ, Tô Thức... làm quan ở kinh sư[10].

Thái KinhĐồng Quán liên kết với nhau tạo phe cánh trong triều. Nhân việc triều đình đang muốn lấy lại Hoàng châu, Kinh ra sức tiến cử Đồng Quán cùng Vương Hậu cầm quân. Đến năm 1104, quân Tống lấy lại Hoàng châu, Thiện châu. Tống Huy Tông lấy Thái Kinh làm Tư không, tấn phong Gia Quốc công, Đồng Quán làm Cảnh Phúc điện sứ, Tương châu quan sát sứ.

Huy Tông nghe theo Thái Kinh muốn triệt hạ đối thủ, cho khắc tên phe đảng Nguyên Hựu gồm 120 người, đứng đầu là Tư Mã Quang Văn Ngạn Bác lên bia đá để bố cáo thiên hạ, trên bia đề sẵn mấy chữ bia phe đảng do chính tay Huy Tông viết. Những người chống đối tiếp tục bị giáng chức và đày đi xa.

Năm 1105, Hà Đông Ngũ lộ Kinh lược sứ Đào Tiết Phu là tâm phúc của Kinh, dụ được Thổ Phiên dâng ba châu Bang, Điệp, Phan. Huy Tông ban thưởng cho Thái Kinh, lấy Đồng Quán là Hi Hà Lan Hoàng Tần Phượng lộ kinh lược an phủ chế trí sứ. Dùng Trương Khang Quốc làm Tri Xu mật viện, Lưu Quỳ Đồng tri, Hà Chấp Trung là Thượng thư Tả thừa. Tháng 3 năm 1105, Triệu Đĩnh Chi được thăng chức Thượng thư Hữu bộc xạ, Trung thư thị lang, nắm quyền tể tướng. Từ khi làm tướng, Đĩnh Chi trở mặt với Thái Kinh, bị Sái Kinh gièm pha mất chức.

Triều đình tranh đấu

Tháng giêng năm 1106, Huy Tông nghe lời Hộ bộ thượng thư Lưu Đạt, cho phá bỏ những bia đá kể tội đại thần Nguyên Hựu trước đây để tỏ đức rộng rãi. Thái Kinh lên triều, thấy bia đá bị phá liền lớn tiếng chửi rủa trước điện, nên bị hạch tội. Huy Tông bãi chức của Thái Kinh, xá miễn những người bị Kinh đày ải.

Nước Hạ lúc này sau nhiều năm chiến tranh cũng cảm thấy mệt mỏi nên viết thư tạ tội, xin hòa hảo, Huy Tông và Triệu Đĩnh Chi đều có ý bằng lòng. Hạ lệnh bãi Ngũ lộ Kinh lược sứ, dời Đảo Tiết Phu đến Hồng châu, sai sứ đến Hạ bàn việc thông hảo. Từ đó Hạ chủ thần phục và triều cống hằng năm[11].

Thái Kinh ngầm móc mối với Trịnh Quý phi đang đắc sủng để được dùng trở lại. Quý phi vì trong cung không có vây cánh nên cũng muốn có chỗ dựa cậy. Anh Quý phi là Trịnh Cư Trung dâng sớ nói những việc làm của Thái Kinh chỉ là tuân theo ý vua, không có lợi lộc riêng tư, Huy Tông bắt đầu mủi lòng. Cư Trung lại nói việc triều chính đã vào nề nếp thì việc bãi chức Thái Kinh có được gì. Sau còn có Lễ bộ thị lang Lưu Chính Phu ra sức nói giúp, nên Huy Tông lại muốn dùng Kinh. Đầu năm Đại Quan nguyên niên (1107), có chiếu phục chức Thái Kinh là Thượng thư Tả bộc xạ, Môn hạ thị lang. Mấy hôm sau, Ngô Cư Hậu tuổi già yếu xin nghỉ; nên lấy Hà Chấp Trung là Môn hạ thị lang, Đặng Tuân Vũ là Trung thư thị lang, Lương Tử MĩLưu Ngạc là Thượng thư Tả, Hữu thừa[12]. Thái Kinh tìm cớ hãm hại Lưu Đạt, sai Thạch Công Bật đứng ra tố cáo khiến Huy Tông đày Đạt ra Bạc châu, sau đó đến tháng 3 thì bãi chức tướng của Triệu Đĩnh Chi, giáng Quan Văn điện học sĩ[13], lấy con của Kinh là Thái Du vào chức Long Đồ các học sĩ kiêm quan Thị độc. Mấy hôm sau, Triệu Đĩnh Chi qua đời, truy tặng Tư đồ, thụy là Thanh Hiến.

Vào tháng 5 năm 1107, yêu nhân Trương Hoài Tố vốn giao kết với nhà họ Thái, nay cùng bọn Ngô Trữ, Ngô Mâu làm phản rồi bị giết. Lúc đó Thái Kinh còn tìm cách hại cựu tướng Lã Huệ Khanh, bắt con Huệ Khanh là Uyên tống vào nhà lao, ép khai rằng mình và Hoài Tố mưu phản. Lã Uyên không nhận tội, nhưng Thái Kinh cũng đày Huệ Khanh ra Tuyền châu. Trung thư thị lang Đặng Tuân Vũ có người vợ là cháu Ngô Mâu nên cũng bị giáng chức đến Tùy châu[12].

Huy Tông thăng Lương Tử Mĩ đến chức Trung thư thị lang. Tháng 8 ÂL năm này, Tăng Bố chết ở Nhuận châu[8]. Lúc Trương Hoài Tố mưu phản, nhiều đại thần bị phát hiện có liên quan, trong đó có Thái Kinh. Kinh tự thấy bất an, may nhờ có Ngự sử trung thừa Dư Thâm và Khai Phong doãn Lâm Sư giấu luôn việc này nên Kinh không bị truy cứu. Vì thế Kinh cảm kích Lâm Sư, phong làm Thượng thư Tả thừa, còn lấy Trịnh Cư Trung là Đồng tri xu mật viện sự vào cuối năm 1107[8]. Đầu năm 1108, Thái Kinh được gia phong Thái úy rồi Thái sư, ban đai ngọc, Đồng Quán là Kiểm giáo tư không, Phụng Ninh quân tiết độ sứ gọi là ban thưởng việc khôi phục Thao châu[12]. Không lâu sau Lương Tử Mĩ bị bãi, Lâm Sư được cất nhắc làm Trung thư thị lang, Dư Thâm làm Thượng thư Tả thừa. Vào tháng 10 ÂL năm 1108, Vương hoàng hậu qua đời, tôn thụy là Tĩnh Hòa, bồi táng vào lăng Vĩnh Dụ.

Xu mật sứ Trương Khang Quốc bất hòa với Thái Kinh nên thường chê trách những việc làm của Kinh. Huy Tông ngầm bảo Khang Quốc giám sát động tĩnh của Kinh. Kinh biết được bèn sai Ngô Chấp Trung làm Trung thừa, muốn hặc tội Khang Quốc. Khang Quốc dâng sớ nói rằng Chấp Trung sẽ đàn hặc mình nên xin từ chức trước. Khi Chấp Trung vào luận tội thật như lời Khang Quốc, Huy Tông tỏ ra bực bội đuổi cổ Chấp Trung làm tri Từ châu. Không lâu sau đầu năm 1109, Khang Quốc đột nhiên không bệnh mà mất, có lời đồn rằng việc này do Thái Kinh làm. Huy Tông xuống chiếu truy tặng Khai phủ nghi đồng tam ti, thụy là Văn Giản. Tháng 4 ÂL năm đó, Trung thư thị lang Lâm Sư bãi. Lúc Lâm Sư xướng tên các cống sĩ đã không đọc được chữ Chân Áng, nói thành Yến Ương. Huy Tông cười bảo là đọc sai rồi. Lâm Sư không những tạ tội mà còn tỏ ra vô lễ. Ngự sử luận tội Lâm Sư ít học lại vô lễ khiến Sư bị giáng chức tri Trừ châu. Lấy Trịnh Cư Trung làm Tri Xu mật viện, Quản Sư Nhân phụ tá[14]; Dư Thâm là Trung thư thị lang, Tiết NgangLưu Chính Phu là Thượng thư Tả, Hữu thừa. Trịnh Cư Trung lúc này lại có hiềm khích với Thái Kinh nên sai gián quan hặc tội ban đầu chưa có hồi âm. Cư Trung không cam tâm, lại sai Thạch Công Bật, Trương Khắc đàn hặc tiếp khiến Kinh bị bãi tướng, giáng chức Trung Thái Nhất cung sứ. Lấy Hà Chấp Trung là Thượng thư Tả bộc xạ kiêm Môn hạ thị lang.

Đầu năm 1110 lấy Dư Thâm, Trương Thương Anh làm Môn hạ, Trung thư thị lang, Hầu Mông là Đồng tri Xu mật viện. Đến mùa hạ năm đó, Tuệ tinh lại xuất hiện ở Khuê, Lâu; có chiếu giảm bớt những cuộc vui, sai Thị tòng quan dâng lời nói thẳng về việc làm sai trái của quan lại trong triều, xá thiên hạ[12]. Nhân đó Thạch Công Bật, Mao Chú, Trương Khắc Công hặc tội Thái Kinh bất trung, bất pháp, kết bè đảng tác oai tác quái lũng đoạn chánh quyền, không coi vua ra gì, có đến 10 khoản. Huy Tông hạ chiếu giáng Thái Kinh làm Thái tử thiếu bảo, dời sang Hàng châu, bãi luôn chức của Dư Thâm dời ra Thanh châu. Lấy Trương Thương Anh làm Thượng thư Hữu bộc xạ, Trung thư thị lang[12], Lưu Chánh Phu, Ngô Cư Hậu là Trung thư. Môn hạ thị lang, Hầu Mông, Đặng Tuân Nhân là Thượng thư tả, hữu thừa.

Mùa thu năm 1109, Hoàng hậu Vương thị qua đời, thụy là Tĩnh Hòa. 1 năm sau Huy Tông hạ chiếu lập Quý phi Trịnh thị làm Kế hoàng hậu. Lúc Thái Kinh bị bãi chức, anh của Trịnh hậu là Trịnh Cư Trung khoe khoang tướng vị chắc chắn về tay mình. Huy Tông biết tin không bằng lòng, nên lấy cớ không dùng ngoại thích mà bãi Cư Trung là Quan Văn điện đại học sĩ, Trung Thái Nhất cung sứ[12]. Tháng 11 ÂL hạ chiếu đổi năm tiếp theo (1111) là Chính Hòa nguyên niên. Trong lúc này Đồng Quán thấy Liêu đã suy yếu nên tìm cách xin Huy Tông phục chức cho Thái Kinh để liên hiệp với Nữ Chân cùng ra quân diệt Liêu, dẫn đến việc mất nước thảm thương về sau.

Suy trị

Cuối năm 1111, người Yên là Mã Thực vốn là sĩ tộc Liêu thấy nước Liêu rối loạn, gặp lúc Đồng Quán sai sứ sang Liêu, Mã Thực lén liên hệ với sứ giả, xin về hàng Tống. Đồng Quán sai người đưa về triều gặp Huy Tông. Mã Thực hiến kế sách rằng

Tộc Nữ Chân xưa nay hận người Liêu đến tận xương tủy, vả lại Liêu chủ hoang dâm thất đạo, thế nước không còn được bao lâu. Nay bản triều có thể sai sứ bằng đường biển đến kết minh ước với Nữ Chân, cùng hẹn đánh Liêu thì đất Yên cũng có thể thu lại được.

Quần thần cho rằng Trung Quốc kết thân với Liêu đã hơn 100 năm mà bây giờ phản lại minh ước e không phải điều có lợi. Nhưng Huy Tông tin Mã Thực, phong Mã Thực là Bí thư thừa, ban họ quốc tính, tức là Triệu Lương Tự. Từ đó triều đình bắt đầu chuẩn bị kế hoạch giành lại đất Yên.

Sang đầu năm 1112, Huy Tông hạ chiếu phục chức Thái Kinh là thái sư, ban phủ đệ trong kinh thành và từ đó Kinh được nhiệm dụng trở lại và tiếp tục tác quái trong triều[15]. Kinh sợ các quan lại tìm cớ tố cáo mình nên bảo văn thư của Môn hạ tỉnh không cần trình hết lên kẻo khiến vua phải lao tâm, phần lớn để tể thần xem xét, cho nên những văn tự tố cáo Kinh đều không còn tác dụng. Về sau Kinh có làm sai việc gì cũng không bị trách phạt mà quần thần cũng không dám dâng lời nói thẳng nữa. Cuối năm đó, Huy Tông theo đề nghị của Thái Kinh cải cách quan chế, đổi tam công là tam sư, Tư đồ, Tư không, Thái úy,... không là tam công nên phải bãi, đổi Thị trung là Tả phụ, Trung thư lệnh là Hữu bật; Thượng thư Tả bộc xạ nay là Thái tể kiêm Môn hạ thị lang, Thượng thư Hữu bộc xạ là Thiếu tể kiêm Trung thư thị lang, còn bãi Thượng thư lệnh và văn võ huân ban. Cuối năm 1112, tiến phong Sở quốc công Thái Kinh là Lỗ quốc công, còn lấy Đồng Quán là Thái úy, Hà Chấp Trung là Thái tể, Thiếu phó kiêm Môn hạ thị lang. Lúc này Huy Tông ngày càng đắm chiếu trong hoan lạc chẳng thiết gì đến chính sự, lại thêm Thái Kinh cực lực hùa vào, cho xây nhiều công trình tốn công tốn của, bòn rút nhân dân, thế nước đã đi xuống. Như năm 1113 đã xây điện Bảo Hòa, ốc thất 75 gian, đồ trang sức, thư họa bày trí nhiều vô kể, tốn của công rất nhiều. Những kẻ gian tà bất chính tiếp tục được dùng, như Cao Cầu được phong chức Thái úy năm 1117.

Lúc này Sùng Ân hoàng thái hậu Lưu thị kiêu ngạo quá độ, muốn can dự cả việc bên ngoài, tư thông với nhiều người. Năm 1113 Huy Tông cùng quần thần nghị định rồi phế truất bà ta. Sau Lưu thị uất ức treo cổ tự tử, được táng vào lăng Vĩnh Thái. Sau đó có chiếu đổi công chúa là đế cơ, quận chúa gọi là tông cơ, huyện chúa là tộc cơ. Quyết định trả lại thụy hiệu cho Vương Khuê, phục chức của Hàn Trung Ngạn, Tăng Bố, An Đảo, Lý Thanh Thần, Hoàng Lý..., lấy Hà Chấp Trung làm Thiếu sư vào tháng 8 năm đó[15].

Vào tháng 2 năm 1115, Huy Tông hạ chiếu lập hoàng trưởng tử Định vương Triệu Hoàn làm hoàng thái tử. Đồng Quán được lĩnh chức Lục bộ biên sự, tổng lĩnh các đội quân ở phía tây. Truy luận Chí Hòa, Gia Định sách công, phong Hàn Kì là Ngụy quận vương, phục quan tước cho Văn Ngạn Bác. Cuối năm này, Vương Hậu cùng Lưu Trọng Vũ hợp quân ở Kinh Nguyên, Phu Diên, Hoàn Khánh, Tần Phượng công đánh người Hạ, bị thất bại, toàn quân mười phần thiệt hại đến tám, chín. Hậu sợ tội, nên đút lót cho Đồng Quán để ỉm việc này đi. Sau đó người Hạ tràn sang cướp bóc ở Tiêu Quan rồi lui về.

Tống Huy Tông còn có những sở thích khác người. Ông tin tưởng Đạo giáo, vì thế trọng dụng nhiều đạo sĩ như Quách Thiên Tín, Ngụy Hán Tân, Vương Lão Chí, Vương Tử Tích, Lâm Linh Tố... Mỗi lần đi ra ngoài đều có hơn 100 đạo sĩ đi theo tháp tùng, chẳng khác gì thần tiên. Thái Kinh đoán biết Huy Tông thích đồ cổ, nên sai Chu Miện tìm cách vơ vét trong dân, lập ra cái gọi là Ứng phụng cục, chuyên chở hoa thạch cương vận chuyển vào cung, ngân khố tốn kém không biết bao nhiêu mà kể. Phàm những vật phẩm quý giá trong nhân gian đều bị ghi thành vật ngự dùng rồi bị thu giữ; người chủ có ý chống đối lại coi là đại bất kính. Lại vì đường chuyên chở khó khăn, nhiều khi phải phá nhà dân làm đường, trăm họ ta thán khắp nơi.

Mùa hạ năm 1117, Huy Tông cho dựng đàn tế ở phía tây cung Thái Ất, đổi Thiên Ninh Quan thành Thần Tiêu Ngọc Thanh cung; đặt tượng Trường Sinh đại đế quân; Thanh Hoa đại đế quân; lại hạ chiếu nói mình là con của thượng đế là Đại Tiêu đế quân; vì sợ Trung Hoa bị Di Địch bức hiếp nên thác sinh xuống trần làm nhân chủ để thiên hạ quy về chính đạo. Nay thì tự xưng là Giáo chủ Đạo Quân hoàng đế. Trăm quan thừa ý chỉ đó mà dâng tôn hiệu[16]. Lúc này Trịnh Cư Trung đang là Thái tể, Dư Thâm là Thiếu tể, Bạch Thời Trung là Trung thư thị lang. Tiến phong Đồng Quán là Thiểm Tây, Lưỡng Hà tuyên phủ sứ, Khai phủ nghi đồng tam ti, Giám thư Khu mật viện sự; đặc cách cho Thái Kinh năm ngày vào triều một lần, tổng trị tam tỉnh sự; gả Mậu Đức đế cơ cho con trai của Kinh. Năm Chính Hòa thứ 8 cải nguyên là Trọng Hoài, năm sau (1119) lại cải là Tuyên Hòa. Lúc này triều đình giao chiến với Tây Hạ bị thua, Đồng Quán cố tính nói bại thành thắng; nên được tiến phong Kinh quốc công. Người đương thời gọi Đồng Quán là tướng bà ngang với Thái Kinh là tướng ông.

Liên minh trên biển

Tống-Liêu-Hạ năm 1111

Đầu năm 1113, trưởng tộc Nữ Chân là Hoàn Nhan A Cốt Đả bắt đầu khởi binh chống nhà Liêu, thế lực ngày càng lớn, đến năm 1115 thì xưng đế, đặt quốc hiệu là Đại Kim[16]. Nước Kim ngày càng lớn mạnh trong khi nước Liêu ngày một suy yếu hơn và liên tục thua trận. Kim lấy ngũ kinh của Liêu làm mục tiêu, phát động tấn công, trong vòng vài năm đã chiếm được phần lớn đất Liêu. Triều đình nhà Tống muốn nhân cơ hội này thu lại đất Yên Vân mà Hậu Tấn Cao Tổ Thạch Kính Đường dâng cho Khiết Đan khi xưa, nên quyết định liên Kim, kháng Liêu; liền sai Mã ChánhCao Dược Sư đi sứ sang Kim. Trong lúc đó nước Liêu liên tiếp thất thế; vào đầu năm 1118 Kim Thái Tổ gửi thư đòi vua Liêu phải coi mình là anh; cắt nhượng Thượng Kinh, Trung Kinh và phủ Hưng Trung cho mình. Sau khi Liêu chấp nhận điều khoản, hai bên tạm ngưng chiến tranh trong một thời gian ngắn[17].

Năm 1118, triều Tống cử Vũ Nghĩa đại phu Mã Chính phụng mệnh từ Đăng Châu[18] vượt biển đi sứ, dâng thư lên Kim Thái Tổ với nội dung xin hợp sức phạt Liêu. Năm 1119, nhà Kim sai bọn Lý Thiện Khánh sang Tống bàn việc kết minh. Kể từ sau khi Triệu Lương Tự trốn sang, triều đình nhà Tống rất muốn đánh Liêu, thu lại đất cũ; do đó nhanh chóng đi đến liên minh với Kim. Trong lúc đó thì triều đình ngày càng suy bại, Huy Tông trọng dụng gian thần Vương Phủ làm thiếu tể rồi thái tể. Lại thêm Lý Bang Ngạn là kẻ ưa xiểm nịnh, mỗi khi vào cung dự tiệc lại đưa con hát theo, lại còn tư thông với cung tần trong cung; người đương thời gọi là tể tướng lãng tử. Vương Phủ có lần đòi luận tội Thái Kinh nên bị bãi chức một thời gian; trong khi đó thì dùng Trương Bang Xương, Vương An Trung làm Thượng thư tả, hữu thừa[17]. Năm sau, Thái Kinh tuổi già, hai mắt mờ hẳn, bèn xin được trí sĩ, tuy nhiên các con của hắn ta là Thái Du, Thái Thao vẫn nắm giữ quyền lực trong triều.

Đầu năm 1120, vua Kim phá bỏ hòa ước, tiến hành chiến tranh với Liêu lần thứ hai. Lúc này Huy Tông đã sai Triệu Lương Tự giả danh mua ngựa mà sang Kim bàn việc liên minh; trong quốc thư yêu cầu được cùng diệt Liêu, lấy lại đất Yên Vân. Sau mấy lần thương nghị, hai bên định ra bản hiệp ước có những nội dung cơ bản như sau:

  1. Hai nước đều tự tiến quân đánh Liêu, quân Kim đánh lấy Thượng Kinh[19] cùng Trung Kinh Đại Định phủ [20] của Liêu. Quân Tống đánh lấy Tây Kinh Đại Đồng phủ[21] và Yên Kinh Tích Tân phủ[22].
  2. Tiền 40 vạn Tống tặng cho Liêu khi trước sẽ chuyển sang cho Kim
  3. Sau khi diệt Liêu, Kim nhận đất Thượng Kinh, Trung Kinh và Đông Kinh; Tống nhận 16 châu Yên Vân và Yên Kinh[17].

Sau khi hòa ước được ký kết, vua Kim sai Bột Đồng theo Lương Tự về Biện. Huy Tông viết thư phúc từ

Đại Tống hoàng đế gửi thư đến Đại Kim hoàng đế. Nay có thư hẹn cùng quý quốc đánh Khiết Đan như thỏa ước. Đồng Quán sẽ đưa quân đến tiếp ứng; quân lính hai nước đều không được lấn sang biên giới nước kia. Chi phí chiến tranh do Liêu chi trả; không bên nào được tự ý nhận hòa với Khiết Đan.

Đánh dẹp khởi nghĩa nông dân

Trong lúc triều Tống đang tích cực chuẩn bị cuộc chiến tranh với Liêu thì trong nước, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra; mà quy mô nhất là cuộc nổi dậy của Phương Lạp ở Mục châu. Do sự bóc lột của nhà Tống, người Giang Nam theo Phương Lạp nổi dậy. Cuối năm 1120, Phương Lạp xưng là Thánh công, đặt niên hiệu Vĩnh Lạc, tung hoành khắp vùng Mục Châu, Thiệp Châu đánh đến Hàng Châu. Tin thua trận bay về kinh sư, Vương Phủ giấu nhẹm đi vì lúc này triều Tống chỉ lo việc chiến tranh với Liêu. Do đó Phương Lạp mặc sức tung hoành ở vùng đông nam.

Mãi về sau, Hoài Nam phát vận sứ Trần Cấu dâng thư cáo cấp, xin triều đình nhanh chóng ra quân. Huy Tông thất kinh, bèn gác chuyện bắc phạt, tập trung ổn định bên trong. Có chiếu lấy Đồng Quán làm Giang Hoài Kinh Triết tuyên phủ sứ, cùng Đàm Tích dẫn 150.000 binh dẹp loạn[17]. Đồng Quán đến đất Ngô, nghe nói dân chúng khốn khổ về việc cống nạp hoa thạch cương, bèn cho bãi đi; lại cách chức của Chu Miễn, nhân dân đều hả dạ. Lúc này Phương Lạp vây hãm Cù châu, Vụ châu, Nghiêm Châu và Tú châu. Giữa năm 1121, Phương Lạp bị quân Đồng Quán đánh bại ở Tú châu phải lui về Hàng châu, dựa vào thế núi hiểm trở mà cố thủ[23]. Tháng 4 năm 1121, Phương Lạp lại thua trận mất 700.000 quân, phải bỏ trốn rồi bị bắt và xử tử. Cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan.

Ở huyện Vận Thành, Sơn Đông có hào kiệt là Tống Giang nổi dậy. Tri Hải châu Trương Thúc Dạ nghĩ kế mới dụ hàng được. Tình hình trong nước yên ắng trở lại, Huy Tông lại sa vào con đường ăn chơi trụy lạc. Vương Phủ lại tâu xin lập lại Ứng phụng cục và Hoa thạch cương; điều này rất hợp ý với Huy Tông. Huy Tông bèn cử Vương PhủLương Sư Thành quản việc thu nạp trong đại nội. Hai kẻ này tha hồ lạm dụng công quỹ, bỏ làm của riêng. Lại có chiếu xét công gia Đồng Quán, Thái Kinh làm thái sư, Vương Phủ làm thiếu phó, Trịnh Cư Trung làm thiếu tể (1121).

Chiến sự ở Yên Vân

Trong lúc chiến sự, nội bộ nước Liêu chia rẽ khiến nước Liêu càng suy yếu. Quân Kim tiến đánh Trung Kinh và Tây Kinh; Liêu Thiên Tộ Đế kinh hoàng bỏ chạy về Giáp Sơn[23]. Sau khi đánh dẹp khởi nghĩa nông dân, Huy Tông có ý muốn dưỡng quân, nhưng Kim lại sai sứ sang thúc giục ra quân. Huy Tông nghe lời Vương Phủ, quyết định xuất quân, phong Đồng Quán làm Hà Bắc, Hà Đông lộ tuyên phủ sứ; Thái Du là phó đem 150.000 quân bắc phạt. Đại thần Tống Chiêu dâng sớ xin giết Vương PhủTriệu Lương Tự, giữ tình nghĩa anh em với Liêu; liền bị đày ra Hải Nam. Vương Phủ thống kê số trai tráng, nhận 2600 vạn lạng làm quân phí. Đồng Quán đến Cao Dương quan; treo bảng hiểu dụ dân đất Yên, cờ ghi là điếu dân phạt tội. Lại cùng Chủng Sư Đạo tiền theo hướng đông; Tân Hưng Tông tiến theo hướng tây đánh tới Phạm Thôn. Tiêu Cán cầm quân ra đánh, đánh bại Tân Hưng Tông ở Phạm Thôn. Chủng Sư Đạo cũng bị Da Luật Đạt Thực đánh bại phải lui về Hùng châu[23].

Người Liêu sai sứ sang trách cứ; Đồng Quán bèn đổ trách nhiệm cho Chủng Sư Đạo khiến Sư Đạo bị Vương Phủ bãi chức. Huy Tông nghe tin thua trận, vội hạ lệnh rút quân.

Mùa thu năm đó, Vương Phủ nghe tin Liêu có tang, lại xin bắc phạt. Huy Tông lại lệnh cho Đồng Quán, Thái Du tiến quân. Tướng giữ Trác châu là Quách Dược Sư đem hai châu Trác Dịch hàng triều Tống. Quân Tống tiến đánh Lương Hướng thì bị Tiêu Cán đánh cho tan tác. Hôm sau Quách Dược Sư, Cao Thế Tuyên bí mật dẫn quân tập kích trại Liêu cũng thua; Lưu Diên Khánh hoảng sự bỏ trốn. Tiêu Cán đưa quân sang Trác Thủy; Lưu Diên Khánh lại lui về Hùng Châu. Đồng Quán thua trận liên tục; sợ bị bắt tội nên vẫn ngầm sai sứ đến Kim xin được cùng đánh Yên Kinh. Lúc đó Triệu Lượng Tự được cử đi sứ. Vua Kim trách về việc ra quân chậm chạp và dự định đánh vào Yên Kinh; sau khi việc thành chỉ trả cho Tống sáu châu Kế, Cảnh, Đàn, Thuận, Trác, Dịch; hai châu Bình, Loan là thuộc về Kim. Triệu Lương Tự cố tranh cãi nhưng không được.

Đầu năm 1123, vua Kim chia quân làm ba đạo tiến đánh Yên Kinh. Yên Kinh thất thủ; Tiêu Cán và Tiêu Thái hậu chạy về Thiên Đức. Năm kinh của Liêu đều thuộc về Kim. Bên Tống lại sai Triệu Lương Tự đến bàn về ba châu Bình, Loan, Doanh. Kim không theo và còn đòi những người Liêu bị bắt. Vương Phủ lại sai Lương Tự đi sứ lần nữa. Vua Kim tỏ ra tức giận, bèn thu thuế ở Yên Kinh. Lương Tự phản đối, nhưng bên Kim không nghe. Triệu Lương Tự đành phải xuất 20 vạn thạch lương cho Kim. Năm 1123, Kim sai Lý Tĩnh đến Tống bàn việc tiền nộp và tiền thuế ở Yên Kinh. Vương Phủ nói tiền nong thì y như thời Liêu, nhưng tiền thuế Kim không thể lấy hết được. Triệu Lương Tự lại được cử sang Kim. Sau nhiều lần tranh luận gắt gao, hai bên định ra hòa ước như sau:

  1. Tiền thuế 40 vạn cấp cho Liêu nay chuyển sang cho Kim
  2. Hằng năm thuế má ở Yên Kinh tính thành 100 vạn
  3. Lễ sinh nhật đôi bên đều có sứ chúc mừng, lập quan hệ buôn bán với nhau.
  4. Tống lấy Yên Kinh sáu châu trước núi, những châu sau núi và vùng Tây Bắc Yên Kinh là của Kim.

Kim sai sứ sang trình minh ước. Đồng Quán, Thái Du vào thành Yên Kinh. Tuy nhiên lúc đó thì Kim đã cướp bóc sạch sành sanh và bắt dân về phương bắc, nên Yên Kinh và sáu châu trở nên hoang tàn. Hai người lại kéo về Biện, nói dối rằng nhân dân Yên Kinh từ già đến trẻ ra phủ phục hai bên đường đốt hương lạy mừng. Huy Tông mừng lắm, phong Đồng Quán là Từ Dự quốc công; Thái Du là Thiếu sư, Triệu Lương Tự là Diên Khang điện học sĩ, Vương Phủ là Thái sư; Trịnh Cư Trung làm Thái bảo (ít lâu sau Cư Trung qua đời). Lại cử Tả thừa Vương An Trung làm Khánh Viễn quân tiết độ sứ, Quách Dược Sư làm Đồng tri phủ sự, quản việc ở Yên Kinh.

Năm 1125, Liêu Thiên Tộ Đế Da Luật Diên Hi bại trận; bị phế làm Hải Tân vương.

Nước Kim uy hiếp

Bản đồ mô tả việc Kim diệt Liêu và Bắc Tống.

Tướng giữ thành Bình châu[24]Trương Giác nguyên là tướng cũ của triều Liêu, vì không chịu tuân phục người Kim nên nảy sinh ý khác; muốn trung hưng nhà Liêu, đón vua Liêu trở về phục quốc; nên muốn xin đầu hàng Tống để có được một nguồn viện binh lớn mạnh. Vương An Trung ở Yên Kinh cũng có dự định chiêu hàng Trương Giác, nên gửi thư về triều trình bày rõ nguyên do đó. Triều đình cho tri phủ Yên Sơn Tiêu Độ liên lạc với Trương Giác. Vào tháng 6 ÂL năm đó, Giác viết biểu xin hàng gửi về Yên Kinh[25], Vương An Trung báo về triều.

Vương Phủ tại Biện Kinh biết chuyện ở Bình châu, rất mừng rỡ, khuyên Huy Tông nên chiêu nạp. Triệu Lương Tự can rằng nếu nhận hàng thần thì mất lòng người Kim. Huy Tông không nghe, giáng chức Lương Tự rồi đổi Bình châu thành Thái Ninh quân, cho Trương Giác làm tiết độ sứ, đời đời con cháu được thế tập, miễn thuế ba năm cho dân Bình châu[26]. Tháng 11 ÂL năm đó, Huy Tông giá hạnh phủ đệ của Vương Phủ, cùng Phủ và Lương Sư Thành uống rượu thâu đêm suốt sáng, đến nỗi say khướt không dậy được; cả ngày không lên triều, nhân tình bất an. Mãi đến chiều thì ông mới tỉnh rượu và lên triều. Thượng thư hữu thừa Lý Bang Ngạn bàn rằng Vương Phủ dường như muốn biến nhà vua thành tiên rượu. Huy Tông có phần e ngại, do đó về sau không đến chỗ Vương Phủ nữa.

Tin Trương Giác đầu hàng bay về triều đình nhà Kim. Vua Kim mới là Thái Tông Hoàn Nhan Thịnh giận lắm, sai Oát Li Bất đánh Bình châu, hỏi tội triều Tống. Lúc đó người Tây Hạ lại sang lấn cướp Đàm Chẩn chống không nổi; rồi bị Thái Du, Đồng Quán gièm pha nên mất chức, triều đình dùng Đồng Quán làm Lưỡng Hà Yên Sơn lộ tuyên phủ sứ. Lúc này ngân khố cạn kiệt; triều đình lại gấp vì việc quân nên cho bắt mấy chục vạn dân phu ở Kinh Tây, Hoài Nam, Lưỡng Triết, Kinh Hồ đến phục dịch; ai không đi phải đóng 30 quan. Nhưng cuối cùng chỉ có vài vạn mà dân tình ta thán khắp nơi.

Quân Kim vây đánh Bình châu và không lâu sau thì phá thành. Trương Giác chạy về Yên Kinh. Oát Li Bất đem quân tới đòi, dọa sẽ đánh vào Yên Kinh. An Trung đành chém một kẻ khác, giao đầu cho người Kim nhưng bị nhận ra. An Trung đành phải giao nộp thủ cấp của Giác cho người Kim. Quách Dược Sư do đó nảy sinh ý khác, bèn đầu hàng người Kim.

Tháng 9 ÂL năm 1124, Huy Tông lấy Bạch Thời Trung làm thái tể; Lý Bang Ngạn làm thiếu tể; Trương Bang Xương là Trung thư thị lang; dùng Thái Kinh làm tam tỉnh sự. Tháng 11 ÂL, Vương Phủ không được lòng thái tử, nên có ý lập Vận vương Khải (con trai thứ hai của Huy Tông). Lý Bang Ngạn đem việc tâu lên, do đó Vương Phủ mất chức. Tiến phong Đồng Quán là Quảng Dương quận vương, lệnh trị binh Yên Sơn lo chống đỡ với người Kim.

Nhường ngôi chạy giặc

Kim từ lâu đã có ý chinh phạt Trung Nguyên, nay gặp việc Trương Giác nên càng có cớ để nói. Tháng 11 năm 1125, Kim Thái Tông lệnh cho Tà Dã làm Đô nguyên soái điều động việc quân; Niêm Một Hát làm phó; chia quân làm hai cánh tấn công Thái Nguyên, Yên Sơn. Đồng Quán không biết chuyện, còn sai Mã KhoángTân Hưng Tông đến chỗ trại Kim đòi hai châu Ứng, Úy. Niêm Một Hát bắt hai sứ quỳ lại mình y như lễ tiết khi gặp vua Kim rồi hỏi tội triều Tống dung nạp kẻ phản loạn, rồi tuyên bố trước núi, sau núi đều là đất của Kim. Rồi sai Tản Li Mẫu đến Tống, đòi phải cắt Hà Đông, Hà Bắc, lấy sông Hoàng Hà làm ranh giới. Đồng Quán sợ quá liền tìm cách chuồn thẳng. Người Kim phá hai châu Kế, Cảnh, đánh vào Yên Kinh. Quách Dược Sư sẵn có ý khác, bèn giết chết Thái Tĩnh rồi đầu hàng người Kim. Oát Li Bất cho Dược Sư làm tiên phong, chiếm trọn đất Yên, Vân, sẵn sàng vượt sông.

Tin bại trận bay tới Biện Kinh, cả triều đình nhà Tống bàng hoàng. Huy Tông có ý nhường ngôi và dời đô về Nam Kinh. Theo kiến nghị của Vũ Văn Hư Trung, ông xuống chiếu tự kể tội mình, thải bớt cung nhân, bãi bỏ một số ti, cục; lệnh Hư Trung là Lưỡng Hà tuyên phủ sứ, cùng Chủng Sư Trung, Diêu Cổ lên bắc chống giữ. Thái thường thiếu khanh Lý Cương và Cấp sự trung Ngô Mẫn đề nghị thái tử lên ngôi. Hôm đó, Lý Cương lấy tay cắn máu viết biểu, thỉnh theo chuyện Đường Túc Tông ở Linh Vũ xưa kia, xin nhà vua nhường ngôi cho thái tử.

Ngày 18 tháng 1 năm 1126, Huy Tông xuống chiếu nhường ngôi, xưng là Giáo chủ Đạo quân thái thượng hoàng đế lui về cung Long Đức, hoàng hậu Trịnh thị là Thái thượng hoàng hậu. Thái tử Hoàn nối ngôi, tức là Tống Khâm Tông..